Là một người dùng công nghệ, chắc hẳn các bạn đã không còn xa lạ với khái niệm địa chỉ IP. Địa chỉ IP (viết tắt của từ Internet Protocol – giao thức Internet) là một địa chỉ đơn nhất được các thiết bị điện tử sử dụng để nhận diện và liên lạc với nhau trên không gian mạng máy tính bằng cách sử dụng giao thức Internet. Bất kỳ một thiết bị nào tham gia vào mạng Internet như router định tuyến, switch chuyển mạch mạng, máy tính cá nhân, máy chủ hạ tầng, máy in, máy fax qua Internet và các dòng điện thoại kết nối internet đều phải có địa chỉ IP riêngvà địa chỉ này là duy nhất trong phạm vi của 1 mạng cụ thể.
Bình thường những thiết bị sử dụng trong hệ thống mạng gia đình như máy tính hay điện thoại đều được bộ định tuyến gán cho 1 địa chỉ IP mặc định được gọi là IP động (Dynamic IP) bằng cách sử dụng giao thức Dynamic Host Configuration Protocol (DHCP). Giao thức này rất tiện lợi cho người dùng phổ thông do nó sẽ tự động cấp phát địa chỉ IP cho các thiết bị trong hệ thống mà không yêu cầu người dùng phải thao tác cấu hình địa chỉ IP thủ công cho thiết bị.
Tuy vậy nhược điểm của việc sử dụng giao thức DHCP là địa chỉ IP của thiết bị trong hệ thống có thể thay đổi sau khi router bị khởi động lại. Đối với 1 số nhóm người dùng sẽ có những yêu cầu khác biệt, sử dụng địa chỉ IP tĩnh không thay đổi cho thiết bị trong 1 số trường hợp như khi muốn chuyển tiếp các cổng thông qua bộ định tuyến tới các thiết bị nằm trong hệ thống mạng (NAT port) mà có 1 số bộ định tuyến lại không thể chuyển tiếp cổng và địa chỉ IP động được cấp bởi DHCP. Đó là 1 trong số những ví dụ cho thấy vì sao người dùng lại muốn gán địa chỉ IP tính cho thiết bị. Bất kể 1 thiết bị nào hoạt động cần tới địa chỉ IP để kết nối mạng thì đều có thể được gán địa chỉ IP tĩnh (Static IP) như bộ định tuyến, điện thoại, máy tính bảng, máy tính cá nhân, laptop,… Static IP address (địa chỉ IP tĩnh) đôi khi còn được gọi là fixed IP address (địa chỉ IP cố định) hoặc dedicated IP addresses (địa chỉ IP chuyên dụng).
Khác với Dynamic IP thì Static IP sẽ không bị thay đổi phụ thuộc vào DHCP server mà sẽ giữ nguyên trên thiết bị cho dù có mất điện hay khởi động lại thiết bị. Trong bài viết ngày hôm nay Lê Thuận Blog sẽ gửi tới các bạn hướng dẫn cách cài đặt, gán địa chỉ IP tĩnh trong Windows 7, 8, 10. Xin mời các bạn cùng theo dõi!
Xem thêm: Cách thay đổi địa chỉ IP máy tính
1. Hướng dẫn cách gán địa chỉ IP tính trên hệ điều hành Windows 7
Để cài đặt địa chỉ IP tĩnh trên hệ điều hành Windows 7 thì đầu tiên các bạn hãy nhấp chuột vào Start Menu và gõ từ khoá network and sharing vào ô tìm kiếm rồi chọn mục Network and Sharing Center hiện ra như hình dưới đây.
Trong cửa sổ Network and Sharing Center hiện ra, các bạn hãy nhấp chuột chọn vào mục Change adapter settings.
Tiếp theo nếu đang sử dụng dây LAN thì các bạn hãy nhấp chuột phải vào biểu tượng Local Area Connection, nếu đang sử dụng qua wifi thì các bạn hãy nhấp chuột phải Wireless network và chọn Properties.
Trong cửa sổ Local Area Connection Properties hiện ra các bạn hãy nhấp chuột chọn dòng Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4) rồi nhấn Properties. Ngoài ra chúng ta có thể lựa chọn Internet Protocol Version 6 để cài đặt IPv6, tuy nhiên hệ thống hạ tầng mạng ở Việt Nam hiện nay đa số vẫn sử dụng IPv4 nên việc cài đặt IPv6 là chưa cần thiết.
Trong bảng Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4) Properties hiện ra các bạn hãy nhấp chuột tick vào ô Use the following IP address và nhập vào địa chỉ IP tĩnh, Subnet mask và Default gateway tương ứng. Default gateway mặc định sẽ có giá trị là 192.168.1.1 hoặc 192.168.0.1 tuỳ theo dòng router (nếu như địa chỉ đã thay đổi thì bạn cần phải liên hệ tới người cài đặt hệ thống mạng) và đi kèm với nó Subnet mask sẽ có giá trị là 255.255.255.0. Địa chỉ IP address chúng ta sẽ thay đổi bằng một giá trị bất kỳ nằm trong dải IP từ 192.168.1.1 -> 192.168.1.255 hoặc 192.168.0.1 -> 192.168.0.255. Địa chỉ IP có cấu trúc gồm 4 số được phân cách với nhau bởi dấu chấm. 3 số đầu tiên của địa chỉ IP các bạn cần phải nhập giống với 3 số đầu tiên trong Default Gateway.
Số thứ 4 được chọn bất kì trong khoảng từ 2 cho đến 254 sao cho trong cùng 1 mạng nội bộ không được có 2 thiết bị có cùng 1 địa chỉ IP. Sau đó các bạn tiếp tục nhập địa chỉ DNS vào 2 dòng Preferrer DNS server và Alternate DNS server. Sau đó các bạn hãy nhấp chuột tick vào ô Validate settings upon exit để hệ điều hành kiểm tra và phát hiện bất kỳ vấn đề nào đối với các địa chỉ bạn đã thiết lập. Cuối cùng bạn nhấn OK để hoàn tất.
Lưu ý: các bạn không nên cài đặt IP dải 10.x.x.x thuộc lớp A bởi dải IP này thường được quản trị viên hệ thống sử dụng để setup 1 số thiết bị dịch vụ quan trọng.
Tiếp theo Windows sẽ chạy trình kiểm tra để check mạng theo thông số mà bạn vừa cài đặt để đảm bảo những cài đặt mạng của bạn là đúng. Nếu như xuất hiện lỗi thì bạn hãy chạy trình hướng dẫn xử lý sự cố.
2. Hướng dẫn cách gán địa chỉ IP tính trên hệ điều hành 8
Để cài đặt địa chỉ IP tĩnh trên hệ điều hành Windows 8 thì đầu tiên tại giao diện màn hình desktop của Window các bạn hãy gõ từ khoá Control Panel và lựa chọn kết quả tìm kiếm.
Trong cửa sổ Control Panel hiện ra các bạn hãy nhấp chuột chọn vào mục Network and Internet.
Trong cửa sổ Network and Sharing Center hiện ra các bạn hãy nhấp chuột chọn vào dòng Change Adapter settings.
Trong cửa sổ Ethenet Status các bạn hãy nhấp chuột chọn mục Properties.
Tiếp theo các bạn hãy nháy đúp chuột lựa chọn dòng Internet Protocol Version 4 để cài đặt địa chỉ IP tĩnh. Cách cài đặt địa chỉ các bạn thao tác giống như trên hệ điều hành Window 7.
3. Hướng dẫn cách gán địa chỉ IP tính trên hệ điều hành Windows 10
Để cài đặt địa chỉ IP tĩnh trên hệ điều hành Windows 10 thì đầu tiên tại màn hình chính các bạn hãy nhấp chuột phải chọn vào biểu tượng Wi-fi (nếu sử dụng wifi) hoặc biểu tượng mạng LAN (nếu sử dụng dây LAN) rồi chọn Open Network & Internet settings.
Trong menu Setting hiện ra các bạn nhấp chuột chọn Status > chọn Network and Sharing Center.
Tiếp theo các bạn hãy nhấp chuột chọn vào dòng Change Adapter settings.
Chọn Properties trong cửa sổ Ethernet hiện ra.
Các bạn nhấp chuột chọn Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4) > chọn Properties.
Trong cửa sổ Internet Protocol Version 4 (TCP/IPv4) Properties các bạn hãy tiến hành thiết lập địa chỉ IP tĩnh giống như trên hệ điều hành Window 7/8.
Như vậy trong bài viết ngày hôm nay chúng tôi đã gửi tới các bạn hướng dẫn cách cài đặt, gán địa chỉ IP tĩnh trong Windows 7, 8, 10 thật đơn giản phải không nào. Khái niệm địa chỉ IP là 1 kiến thức rất cơ bản khi sử dụng máy tính nhưng nó lại vô cùng cần thiết mà bất cứ ai cũng nên biết để việc sử dụng máy tính được hiệu quả hơn. Cảm ơn các bạn đã theo dõi!